Blog Bạn Đọc

Đàm Vĩnh Hưng: Con tôi sinh ở Việt Nam, ngày mẹ đứa trẻ sinh, tôi phải ngụy trang vào bệnh viện vì sợ bị phát hiện

“Ông hoàng nhạc Việt” chia sẻ tất tần tật chuyện làm bố bỉm sữa, nuôi dạy cậu con trai kháu khỉnh Polo.

Những ngày qua, cả Vbiz “chấn động” trước thông tin Đàm Vĩnh Hưng có con trai 3 tuổi – bé Polo. “Ông hoàng nhạc Việt” chọn giấu kín con trai trước truyền thông suốt 3 năm qua và chỉ công khai trong dịp sinh nhật lần thứ 51 của mình. Anh công khai con vì một lý do duy nhất: “Đứa bé có quyền được thừa nhận”.

Đàm Vĩnh Hưng quyết định công khai con trai trong đêm nhạc mừng sinh nhật mình.

Từ ngày công khai, Đàm Vĩnh Hưng thoải mái chia sẻ về đứa trẻ, hạnh phúc kể chuyện bỉm sữa. Mr. Đàm tự nhận mình là một ông bố “cuồng” con chính hiệu, nhớ con ngay khi đang bế bé trên tay, viết hàng chục bài thơ về Polo, gọi con trai là “người tình bé nhỏ”. Khác với suy nghĩ của nhiều người, nam ca sĩ tự tay chăm bẵm con nhỏ, thành thạo mọi việc, không ngần ngại “thoát vai” ngôi sao bóng bẩy để trở về nhà làm một ông bố bỉm sữa đầu bù tóc rối.

Lần đầu tiên Đàm Vĩnh Hưng tiết lộ khoảnh khắc con chào đời, việc giấu kín gia đình về quyết định có Polo và cả chuyện thừa kế tài sản trong tương lai. Ánh mắt anh lấp lánh niềm vui và cả trìu mến khi nhắc đến đứa con trai đầu tiên và duy nhất của mình.

“Ông hoàng nhạc Việt” bên quý tử Polo.

Trước đó, Đàm Vĩnh Hưng đã được biết đến với vai trò làm bố của 2 người con là Huỳnh Như và bé Tin. Từ khi nào và vì sao anh bắt đầu có suy nghĩ phải có thêm một người con nữa?

Ước mơ có con của Đàm Vĩnh Hưng phải nói là có từ rất lâu rồi. Từ thời trẻ, tôi đã ẵm những đứa bé trong xóm, chơi với các bé, trông con giúp hàng xóm,… Thế nên tôi sớm biết cách bế đứa nhỏ ra sao, bế đứa lớn như thế nào. Con trai lớn của tôi (bé Tin) cũng được tôi nhận từ khi bé mới 1 tháng tuổi. Thế nên tôi có đủ kinh nghiệm để chăm sóc trẻ nhỏ và khao khát có con.

Khi anh thông báo quyết định sẽ có con thì những người thân xung quanh đã phản ứng như thế nào?

Khi tôi quyết định có con, tôi sợ những gì mình nói ra mà không thành công sẽ bị ê chề, rồi phải giải thích này nọ. Thế nên tôi im lặng, khi thành công 100% mới công bố. Tôi thích chơi trò bất ngờ. Ngay cả má tôi cũng không biết

Tới tận ngày đầy tháng của Polo, tôi mới nói với má: “Má ngồi ở đây đi, con nói chuyện chút xíu, con có chuyện quan trọng”. Tôi chuẩn bị sẵn bốn mươi mấy cái áo polo, có in chữ Polo cho mọi người mặc. Xong tôi mới nói: “Con có con rồi”. Má không phản ứng gì hết, chỉ hỏi: “Con đâu?”. Khi tôi ẵm con ra, bà nhìn thằng bé có cái miệng, cái cằm y như tôi. Thế là bà khóc luôn. Cả nhà hoàn toàn bất ngờ.

Tôi cố tình giấu mọi người trong gia đình vì 2 lý do. Thứ nhất là sợ không thành công thì mất công phải giải thích. Thứ hai là thích tạo cảm giác bất ngờ cho mọi người.

Khoảnh khắc con chào đời luôn đáng nhớ. Anh có thể chia sẻ ngày hôm đó đã diễn ra như thế nào?

Ngày Polo chào đời nằm ngoài dự kiến của tôi. Tôi dự kiến con chào đời vào đúng ngày tôi về Việt Nam. Cuối cùng bé lại chào đời trước một ngày. Máy bay đáp xuống không kịp. Tôi cuống cuồng chạy tới bệnh viện, rồi lại sợ người ta nhận ra nên phải bịt kín hoàn toàn, đeo khẩu trang, kính mát, áo khoác,… ngồi một góc chờ.

Người bạn thân nhất của tôi bế Polo ra. Trời ơi! Lúc đó tôi còn hỏi: “Có thật không vậy?” Nhìn mặt bé là tôi biết chắc chắn đây là con mình rồi. Cảm giác tôi lần đầu nhận đứa bé vào vòng tay mình còn hơn là niềm hạnh phúc khi nhận hơn một trăm giải thưởng cộng lại. Cảm giác sung sướng đó là quá lớn, trên hết tất cả mọi thứ trong đời.

Ấn tượng của anh khi lần đầu gặp Polo? Con có giống như tưởng tượng của anh?

Tôi không biết con sẽ giống mình như thế nào, vì còn gen của mẹ nữa mà, chứ đâu phải do một mình tôi tạo nên. Lúc xem hình hồi nhỏ, tôi thấy mình cũng không được xuất sắc lắm (cười), không giống những đứa bé mà tôi thích như con của Lệ Quyên hay con của Quang Dũng. Tôi chỉ mong con mình ráng được được một xíu.

Tôi thấy con mắt con dài sọc, không có mí. Tôi mới thầm nghĩ: “Thôi rồi, sao kỳ vậy nè. Mí mình to đùng như vậy mà sao con không có mí”. Tuy nhiên con nít thay đổi từng ngày, từng giờ. Da con không đỏ nữa, không còn sần sùi, tóc bắt đầu mọc ra, mắt lớn hơn,…

Hình ảnh ngày bé của Polo “đốn tim” nhiều người.

Polo sở hữu vẻ đẹp rất “Tây”. Bé có phải con lai không, thưa anh?

Con tôi là Việt Nam 100% nhưng vì gen của tôi có lai Pháp, đời thứ 3 thứ 4 nên có lẽ Polo cũng còn một chút nét thoáng qua. Nếu nhìn hình hồi nhỏ, con còn giống Tây hơn nữa. Tôi cam đoan là tôi từng xem nhiều hình quảng cáo sữa và tã em bé rồi, các bé đều về nhì so với Polo hết. Ông trời cho tôi món quà quá lớn hay tại nét tôi đẹp ta? (cười lớn).

Làm bố bỉm sữa, anh có gặp những khó khăn như con khóc đêm, khủng hoảng tuổi lên 2, bé mọc răng,…? Anh đã vượt qua như thế nào?

Khi mình sống với niềm vui của mình, mình sẽ đón nhận tất cả một cách hạnh phúc. Tôi không xem những khó khăn đó là thử thách, mà là công việc, là nghĩa vụ thiêng liêng.

Tôi làm tất cả những công việc bỉm sữa vì tôi cảm thấy điều đó ý nghĩa. Tôi muốn con yêu thương mình mà, thì con phải hiểu được những gì mình đã làm cho con. Khi con đi vệ sinh, tôi sẽ “giành” thay tã. Khi con ngủ dậy rồi khóc lóc, tôi sẽ xông ra đầu tiên, để con thấy mình là “người hùng” của con. Con mọc răng thì tôi dùng khăn lưới voan để sờ và kiểm tra. Chẳng may con sốt, tôi cũng đã chuẩn bị sẵn sàng hết mọi thứ. Tôi quan sát tất cả những bước phát triển của con. Con cựa quậy là tôi tỉnh ngủ ngay và biết phải làm gì tiếp theo.

Tôi lắp một căn phòng có nước nóng, nước lạnh, bồn nước có thể làm hồ bơi cho con, đủ các loại thú nổi,… Gần như bất cứ thứ gì liên quan đến trẻ con tôi đều có.

Tự mình chăm con từ A – Z như thế, có bao giờ anh rơi vào tình cảnh bố bỉm sữa “đầu bù tóc rối”, khác xa vẻ ngoài chỉn chu thường thấy?

Nhiều lắm! Tóc tôi dài sọc, không còn highlight gì hết. Tôi ăn mặc như mấy bà mẹ bỉm sữa, lôi thôi lếch thếch. Có lần tôi chụp hình gửi cho bác Quang Linh coi, bác Quang Linh còn trêu: “Hay nhờ! Dạo này đầu bù tóc rối quá, “Còn đâu mái tóc người thương”. “Không còn chỉn chu, xịt gel, xịt gôm nữa à?”.

Nhiều khi tôi mặc “quần Nam áo Bắc” loạn xạ. Chắc mọi người cũng thấy hình ảnh các bà mẹ bỉm sữa rồi, quơ được cái gì là mình mặc liền để lo cho con.

Đàm Vĩnh Hưng nổi tiếng sở hữu khối tài sản “khủng” và có cuộc sống khá xa hoa. Anh có nuôi con theo kiểu “Con nhà giàu”?

Tôi không muốn con sướng quá vì sợ điều này có thể làm khổ con trong tương lai. Biết đâu sẽ có lúc tôi hết thời, không còn đủ tiền để chu cấp cho con? Tôi muốn nuôi con theo kiểu “bộ đội”, nghĩa là ăn cháo được, ăn cơm được, cái gì cũng phải ăn được. Tuy nhiên tôi không cho con ăn kem vì sợ bé bị đau họng. Tôi muốn con “dễ sống”, đi đến đâu cũng ăn được, dù có vào quân đội cũng sống tốt. Tôi tập cho con đi chơi công viên, biết xếp hàng, biết chờ đợi, không sợ hãi bất kỳ con gì hết. Tôi cho con thấy hết mọi thứ, từ chim chóc đến cá heo, để con không bỡ ngỡ trước bất kỳ điều gì.

Tuy nhiên tôi có suy nghĩ thế này, vì tôi từng trải qua nên tôi hiểu được cảm giác đó và rút kinh nghiệm khi nuôi dạy con. Nhiều người nói tôi mua nhiều đồ chơi cho con quá, con không còn quý và trân trọng món đồ chơi nữa. Đúng là như vậy. Thế nhưng tôi từng ở vị trí muốn có một món đồ chơi mà không được, cảm giác thèm, khao khát rồi tủi thân vì “Tại sao người ta có mà mình không có”. Rồi một đứa trẻ thèm một món ăn nhưng không được ăn, cứ nhìn miệng người ta. Tôi không muốn con mình như thế.

Tôi cho con đủ đầy để bé biết nói “Không”. Đó là cách của riêng tôi thôi. Hiện tại con tôi không bao giờ nhìn miệng ai khi người ta ăn. Thậm chí khi tôi mua đồ chơi cho con, Polo còn biết nói: “Con có nhiều rồi, không mua nữa đâu. Ba đừng mua nữa”. Con không còn thèm thuồng hay khát khao nữa.

Tôi đâu có ai ngoài con mình. Tôi không rượu chè, cà phê, thuốc lá, “chơi” xe, đàn đúm,… Tôi chỉ có niềm vui duy nhất là con thôi. Tôi chỉ muốn được thấy nụ cười của con. Niềm vui của con nhiều lúc chỉ là rút khăn giấy xong cười khằng khặc. Thế là tôi cứ làm hoài việc đó, rút giấy ra rồi lại xếp vào rút tiếp. Tôi còn viết bài thơ về việc này. Tôi chỉ muốn khoảnh khắc con vui thôi. Tôi đâu còn bao nhiêu năm nữa để tính toán và đo lường.

Hiện nay trong showbiz cũng có những ngôi sao chia sẻ về việc thừa kế. Có người quyết định để lại toàn bộ tài sản cho con, cũng có người muốn con “tự lực cánh sinh”. Suy nghĩ của anh như thế nào?

Không cho con thừa kế tài sản là mình tàn nhẫn với con. Không hợp lý hợp tình một chút nào cả. Dù bạn mang một lý tưởng cao quý như thế nào cho xã hội và cộng đồng, thì cũng phải biết chừa và biết nghĩ cho con. Con mình mà mình không thương thì thương ai?

Quan trọng nhất trên đời này vẫn là cha mẹ và con cái, anh chị em ruột thịt. Nếu mình không để con thì để cho ai? Quan điểm của Hưng là có tiền rồi mới hạnh phúc. Hạnh phúc theo cách khác không kéo dài.

Vậy quan điểm của anh là để con thừa hưởng tài sản của bố? “Trải đường” cho con như thế, anh có sợ bé ỷ lại và không chịu cố gắng?

Chắc chắn một điều là tôi sẽ không cho Polo biết, cho đến khi con đủ bản lĩnh và trưởng thành. Tôi nghĩ tôi có thể sống đến năm con 25 – 30 tuổi. Tôi đang cố gắng, dùng tế bào gốc và rất nhiều thực phẩm chức năng, để trẻ khoẻ ở bên con.

Tài sản tôi để dành cho con, tôi đều phân chia theo từng thời điểm, đứa lớn đứa nhỏ đều đâu vào đó. Tôi làm sẵn hết rồi (di chúc – PV). Từ bây giờ tới ngày tôi không còn làm ra tiền được nữa, nếu có thêm gì tôi sẽ bổ sung. Chị hai có cái gì, nhà ở đâu hay anh ba nhà ở đâu, xe nào, chiếc nhẫn nào,… tôi đều ghi sẵn ra. Tuy nhiên tất cả chỉ được tiết lộ lúc con 18 tuổi và biết riêng, chứ không phải kêu 3 đứa ra nói cùng lúc.


ɴɢᴜồɴ: ʜᴛᴛᴘs://ᴇᴠᴀ.ᴠɴ/ɴᴜᴏɪ-ᴄᴏɴ/ᴅᴀᴍ-ᴠɪɴʜ-ʜᴜɴɢ-ᴄᴏɴ-ᴛᴏɪ-sɪɴʜ-ᴏ-ᴠɪᴇᴛ-ɴᴀᴍ-ɴɢᴀʏ-ᴍᴇ-ᴅᴜᴀ-ᴛʀᴇ-sɪɴʜ-ᴛᴏɪ-ᴘʜᴀɪ-ɴɢᴜʏ-ᴛʀᴀɴɢ-ᴠᴀᴏ-ʙᴇɴʜ-ᴠɪᴇɴ-ᴠɪ-sᴏ-ʙɪ-ᴘʜᴀᴛ-ʜɪᴇɴ-ᴄ𝟷𝟹ᴀ𝟻𝟹𝟹𝟿𝟹𝟺.ʜᴛᴍʟ

Exit mobile version