Trước sự ra đi của vị nhạc sĩ gạo cội, Đàm Vĩnh Hưng đã lập tức đến viếng ngay khi chuyến bay của anh hạ cánh Việt Nam.
Theo thông tin từ Hội Âm nhạc TP.HCM, vào ngày 26/07, nhạc sĩ Tôn Thất Lập đã trút hơi thở cuối cùng, hưởng thọ 81 tuổi. Lúc sinh thời, nhạc sĩ Tôn Thất Lập đã để lại gia tài tác phẩm nổi tiếng, được nhiều thế hệ khán giả yêu mến. Vì thế nên sự ra đi của ông để lại nhiều tiếc nuối cho các bạn bè, đồng nghiệp và khán giả.
Sự ra đi của nhạc sĩ Tôn Thất Lập đã để lại nhiều khoảng trống trong lòng giới âm nhạc cả nước
Trong số đó, Đàm Vĩnh Hưng cũng không khỏi đau lòng trước sự ra đi của người nhạc sĩ gạo cội. Trên trang cá nhân, anh đã chia sẻ bài viết tiễn biệt nhạc sĩ Tôn Thất Lập. Bên cạnh đó, nam ca sĩ cũng cho biết sẽ đến thẳng nhà tang lễ để viếng ngay khi chuyến bay của mình hạ cánh ở Việt Nam.
Đàm Vĩnh Hưng tới viếng nhạc sĩ quá cố ngay khi về Việt Nam
Cụ thể, Đàm Vĩnh Hưng viết: “Thế là từ nay “Tiếng hát về khuya” đã ngủ yên và biết bao giờ khán giả Việt Nam lại được nghe Anh “Hát cho dân tôi nghe” nữa. Xin cúi chào vĩnh biệt “TÌNH ANH”. Người nhạc sĩ tài hoa, góp phần thêm cho sự rạng rỡ của dòng tộc lừng danh TÔN THẤT.
Người đàn ông dung dị. Người Anh luôn nhẹ nhàng (lúc nào Anh cũng xưng Anh với em cả). Người chú bao dung , người hàng xóm đáng yêu và vô cùng lịch sự, tử tế…TÔN THẤT LẬP.
Anh ra đi bình an và phù hộ cho âm nhạc Việt Nam, cho gia đình của Anh nhé! Chuyến bay của em sẽ đáp Việt Nam ban đêm và em từ sân bay đi thẳng đến nhà tang lễ kịp viếng và chào Anh ngày cuối cùng ạ.
Em Đàm Vĩnh Hưng”.
Đàm Vĩnh Hưng tiễn biệt vị nhạc sĩ gạo cội
Nhạc sĩ Tôn Thất Lập sinh năm 1942 tại Đà Nẵng (gốc Huế). Tuổi thiếu niên, Tôn Thất Lập đã có sáng tác đầu tay mang tên “Một dòng sông”, được lấy cảm hứng từ các bài valse nước ngoài nổi tiếng. Từ thập niên 1960, ông viết những ca khúc ủng hộ phong trào đấu tranh đô thị như Hát Cho Dân Tôi Nghe, Xuống Đường, hợp xướng Lúa Reo Trên Khắp Đồng Bằng… Đặc biệt, bài Hát cho dân tôi nghe của ông đã luôn được cất cao trên các nẻo đường, tạo thành một làn sóng mang tên “Hát cho đồng bào tôi nghe” của phong trào đấu tranh đô thị khi ấy.
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (đeo kính) và nhạc sĩ Tôn Thất Lập đứng hàng đầu trong phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe”
Nhạc sĩ Tôn Thất Lập từng đảm nhận các chức vụ: Phó Tổng Thư ký Hội âm nhạc TPHCM khóa III, IV; Phó Chủ tịch Hội âm nhạc TPHCM khóa V; Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật Hội âm nhạc TPHCM khóa VI; Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam các khóa III, IV, V, VI và VII; Phó Tổng Thư ký khóa VI, Phó Chủ tịch khóa VII; Tổng biên tập Tạp chí âm nhạc Việt Nam (Hội Nhạc sĩ Việt Nam).