NSƯT Hoài Linh: Từ cậu bé lang thang phải bán mía ghim, bắp luộc ở bến xe đến khi trở thành danh hài nổi tiếng

Từ một cậu bé lang thang bán mía ghim, bắp luộc ở bến xe rồi tha phương nơi xứ người, Hoài Linh nhờ vào cái duyên trời ban nên dấn thân vào nghiệp diễn và yêu sân khấu như máu thịt.

1. Không ngoa khi nói Hoài Linh sinh ra là để nổi tiếng. Nghề diễn đến với anh vô cùng bất ngờ mà theo anh chia sẻ là đến bây giờ, chính anh cũng thường xuyên bật dậy giữa đêm bởi không hiểu vì sao mình nổi tiếng. Từ việc tình cờ gặp được Trizzie Phương Trinh – vợ cũ của nam ca sĩ Bằng Kiều đến câu nói “Cần gì thì gọi anh” của danh hài hải ngoại Vân Sơn; tất cả đã tạo nên những nấc thang đầu tiên khiến anh chàng “chân ướt chân ráo” trên đất Mỹ quyết đánh liều để rồi gắn bó với nghiệp diễn đến bây giờ.

Không được đào tạo bài bản, không qua bất cứ một trường lớp nghiệp dư hay chuyên nghiệp nào, Hoài Linh đưa lên sân khấu những gì anh chắp nhặt được từ cuộc sống bươn chải của một đứa con sớm phải nặng gánh lo toan. Cái chất ấy lại là cái chất rất thật, rất bình dị mà nhiều nghệ sĩ khác khó mà lột tả ra được trọn vẹn như anh.

Nghệ sĩ Hoài Linh thời còn trẻ

Kết hợp cùng Vân Sơn không bao lâu, tên tuổi của Hoài Linh nổi lên như cồn khắp các sân khấu hải ngoại, có thể nói nơi nào có người Việt thì nơi đó đều biết đến Hoài Linh.

Khán giả yêu mến hình ảnh Hoài Linh giả gái rất ngọt trong những chiếc áo bà ba hay áo dài với dáng người cao ráo, gầy sộp. Hoài Linh cũng trở thành cao thủ giả gái trên sân khấu mà khó có nghệ sĩ nào sánh kịp từ ngoại hình cho đến cách diễn xuất.

Lượng người hâm mộ tăng giúp cho Hoài Linh nhận được nhiều show diễn tại hải ngoại và cát xê của anh tăng lên đáng kể, không bao lâu chàng trai mới ngày nào còn bỡ ngỡ tại đất Mỹ đã trở thành danh hài được nhiều bầu show săn đón.

Có lẽ để lý giải cho sự nổi tiếng nhanh chóng của Hoài Linh và sự yêu mến mà khán giả dành cho anh chỉ xuất phát từ một chữ “Duyên”. Chính cái duyên thiên phú mà không phải nghệ sĩ nào cũng có được đó đã mang Hoài Linh đến với nghiệp diễn, cái nghiệp mà ban đầu anh chỉ muốn thử cho biết để rồi đắm chìm trong mong ước được “bán tiếng cười cho thiên hạ”.

Hoài Linh thời ở trung tâm Vân Sơn

Tiếng cười trong những tiểu phẩm của Hoài Linh mang đến sự thoải mái mà không quá cường điệu. Nó khơi nguồn từ những gì chân thật có thể nhìn thấy trong đời sống được pha chút hài hước đủ để đánh bay hết những mỏi mệt của đời sống, rồi khiến người ta phải lắng lòng trước những điều bình dị nhất mà ngày thường, vì bận rộn, ta đi qua…

Sau thời gian dài tung hoành trên các sân khấu hải ngoại, Hoài Linh vẫn nuôi giấc mộng trở về quê nhà phục vụ khán giả trong nước, nhưng khi đó tên Hoài Linh với khán giả Việt vẫn khá xa lạ.

Một lần tình cờ nhìn thấy nghệ sĩ hài Hữu Lộc đang treo băng rôn thành lập sân khấu Nụ Cười Mới, chỉ với câu nói nửa đùa nửa thật: “Làm sân khấu hài mà không kêu tui nha!”, Hoài Linh đã bắt đầu con đường trở về sân khấu quê nhà và gắn bó với tâm huyết của cố nghệ sĩ Hữu Lộc suốt hơn 10 năm nay. Ngay cả khi Hữu Lộc bất ngờ gặp tai nạn qua đời, Hoài Linh cũng giữ trọn vẹn lời hứa duy trì tâm huyết của người đồng nghiệp quá cố.

Hoài Linh hay vào vai giả gái
Và chính sân khấu Nụ Cười Mới cũng là nơi Hoài Linh đã giúp đỡ nhiều thế hệ nghệ sĩ đàn em thành danh, nâng đỡ không ít những diễn viên trẻ yêu mến nghiệp diễn.

Có thể nói, Hoài Linh không chỉ có tài năng thiên phú để chọc cười người khác mà còn sở hữu cho mình con mắt tinh tường. Anh nhận biết được tài năng và luôn tìm mọi cách cho đàn em của mình phát huy hết khả năng trên sân khấu, miễn họ sống có tâm với nghề, yêu nghề bằng tình yêu thật sự, sống chết với sân khấu như chính anh.

2. Hoài Linh hiện tại là thỏi nam châm đầy sức hút, với khán giả, các chương trình truyền hình, phim ảnh cho đến các tụ điểm sân khấu. Sự phủ sóng rộng khắp trên mọi sân khấu và luôn mang lại sức hút lớn cho nhà sản xuất khiến Hoài Linh luôn được tôn sùng bằng những danh hiệu như “Ông hoàng phòng vé”, “Ông hoàng sân khấu”,…

Thực tế cũng cho thấy mặc kệ nội dung phim dù không nổi bật, đôi khi khá nhảm nhưng chỉ cần có sự xuất hiện cái tên Hoài Linh trên poster cũng đủ sức kéo khán giả ra rạp. Họ đến đôi khi chỉ để được cười sảng khoái, được thấy nét tưng tưng của anh trên màn ảnh, sự biến hóa của Hoài Linh trong từng vai diễn.

Tạo ấn tượng khi kết hợp với nghệ sĩ Chí Tài

Dù được tôn sùng với danh hiệu “Ông hoàng” ở nhiều lĩnh vực nhưng, Hoài Linh không lấy đó làm tự hào mà ngược lại còn không hề thích những danh hiệu đó. Đối với Hoài Linh, được khán giả yêu mến, có chỗ đứng trong lòng khán giả là một may mắn lớn nhất của cuộc đời anh.

Anh quan niệm, đối với nghệ thuật thì không có ông hoàng hay bà chúa mà là sự cống hiến hết mình với nghề, với sân khấu, với sự tin yêu của khán giả.

Có lần Hoài Linh chia sẻ rằng: “Tâm nguyện lớn nhất trong cuộc đời tôi là làm nghệ thuật cho tới khi nào chết trên sân khấu thì thôi”. Hoài Linh luôn nghĩ rằng mình mắc nợ Tổ nghiệp và điều đó đã tạo nên cái tên Hoài Linh của ngày hôm nay.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *